Xuất khẩu thủy sản chạy đua về đích

1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 974 Lượt xem

Năm 2019, Bộ NN-PTNT đề ra mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, tuy nhiên sau 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu mới đạt 5,4 tỷ USD, giảm 2,6% so cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm là giai đoạn để các ngành chức năng và doanh nghiệp chạy đua đẩy mạnh xuất khẩu.

Chế biến tôm xuất kháºu00a9u ở ĐBSCL
Tôm tăng, cá tra vẫn khó

Sau thời gian dài sụt giảm thì gần đây giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL tăng lên. Hiện thương lái và các nhà máy chế biến xuất khẩu thu mua tôm thẻ loại 100 con/kg giá 80.000 - 95.000 đồng/kg (tăng 2.000 - 7.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 7-2019), tôm thẻ loại 60 con/kg giá cũng tăng lên khoảng 110.000 đồng/kg; trong khi tôm sú loại 30 con/kg giá 190.000 - 202.000 đồng/kg…

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) nhận định, giá tôm nguyên liệu tăng là do gần đây tình hình xuất khẩu cải thiện đáng kể, trong đó tháng 7-2019 xuất khẩu tôm đạt trên 344 triệu USD (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018). Tính trong 8 tháng đầu năm 2019, diện tích thả nuôi tôm của cả nước khoảng 689.516ha, tăng 0,5% so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch đạt 444.404 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ. Ông Sử Văn Thinh, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), cho biết: “Con tôm là thế mạnh kinh tế của địa phương nhưng thời điểm đầu năm 2019 giá thấp và dịch bệnh xuất hiện thường xuyên khiến người nuôi bất lợi. Nay giá tôm tăng và dự báo nhu cầu tiêu thụ cuối năm sẽ nhảy vọt, vì vậy nhiều hộ đang tích cực mở rộng diện tích…”.

Nếu như con tôm có triển vọng trở lại, thì giá cá tra tiếp tục ảm đạm gây bất lợi cho người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện giá cá tra ở ĐBSCL dao động khoảng 19.500 - 21.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với thời điểm này năm 2018 (34.000 - 36.000 đồng/kg), khiến hàng loạt hộ nuôi lỗ nặng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX sản xuất, dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp), than thở: “Nếu như năm trước người nuôi cá tra có lãi nhiều thì năm 2019 này xem như thua trắng. Tính bình quân người nuôi cá chịu lỗ 3.000 - 5.000 đồng/kg, mức lỗ khá nặng. Trước tình hình này, nhiều hộ nuôi đang dè dặt trong việc tăng diện tích vào cuối năm”. Theo các ngành chức năng, nguyên nhân khiến cá tra nguyên liệu giảm thê thảm là do tình hình xuất khẩu từ đầu năm 2019 đến nay khó khăn, trong đó thị trường Mỹ giảm hơn 50% trong 8 tháng đầu năm 2019. Trước tình hình trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo cả năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước khoảng 2,23 tỷ USD, không đạt kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 2,4 tỷ USD.

Nhanh chóng khắc phục 

Cá tra là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam trên thương trường quốc tế, song việc phát triển thời gian qua bộc lộ nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho rằng, một trong những tồn tại kéo dài là đến nay việc triển khai thực hiện quy hoạch nuôi cá tra ở ĐBSCL chưa đồng bộ, chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu việc đào ao ngoài quy hoạch, xảy ra tình trạng phát triển nóng trong nuôi cá tra dẫn đến “cung vượt cầu” và hệ lụy là giá cá tra giảm mạnh. Điều này gây thiệt hại kinh tế lớn cho các hộ nuôi cá ở ĐBSCL. Dù nghề cá đã có rất lâu nhưng tình trạng các hộ nuôi chưa liên kết chuỗi còn nhiều. Những hộ không liên kết sẽ gặp khó trong tiếp cận thông tin thị trường, giá cả, nhu cầu xuất khẩu, yêu cầu chất lượng sản phẩm và dễ gặp rủi ro khi biến động thị trường. 

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay ở ĐBSCL có nhiều tỉnh nuôi và xuất khẩu cá tra nhưng thông tin tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra, cũng như việc phối hợp giữa các tỉnh chưa được tốt; do đó kế hoạch sản xuất ngành hàng cá tra chưa mang tính liên vùng. Đây là hạn chế lớn cần nhanh chóng khắc phục nhằm hướng ngành cá tra phát triển ổn định hơn trong thời gian tới. 

Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt, cho rằng, giải pháp cấp bách lúc này là khôi phục thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm càng nhiều càng tốt. Về lâu dài, không nên xây dựng thêm nhà máy cá tra bởi hiện nay các nhà máy đã dư công suất; đồng thời phát triển vùng nuôi theo tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn quốc tế yêu cầu. Cấp bách đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chế biến cá tra, nhất là công nhân lành nghề đang thiếu trầm trọng.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhìn nhận, để phát triển bền vững ngành tôm, các địa phương cần tăng cường thông tin kịp thời những quy định mới, các chỉ đạo về sản xuất, thông tin thị trường… cho doanh nghiệp và người nuôi. Khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, tập trung phát triển sản phẩm tôm chiến lược theo hướng giảm giá thành, nâng cao giá trị nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các nước trên thế giới…

Đối với con tôm, tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm khá thuận lợi, bởi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới sẽ tăng nhằm phục vụ lễ Noel, Tết dương lịch 2020… Ngoài ra, 31 doanh nghiệp tôm của Việt Nam vừa được Bộ Thương mại Mỹ cho hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%, là điều kiện tốt để gia tăng xuất khẩu. Hiện các đơn hàng ở Mỹ tăng dần lên, bởi phía Mỹ giảm nhập khẩu tôm của Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Ngoài ra, xuất khẩu tôm sang EU, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản… có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, Ấn Độ đã hết vụ sản xuất tôm chính, nên giá tôm trên thế giới có xu hướng tăng lên, điều này cũng mang đến cho tôm Việt Nam những cơ hội.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Bài viết khác