Mở rộng vùng nuôi cá tra xuất khẩu

1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 1692 Lượt xem

Hướng đến hoàn thiện chuỗi sản xuất, trong 10 năm qua mối liên kết giữa các doanh nghiệp có nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu và đầu tư vùng nuôi cá tra với các hộ nông dân ở ĐBSCL không ngừng mở rộng.

Mối liên kết tiến tới bền vững bắt đầu từ các mô hình mẫu, áp dụng quy trình nuôi cá tra chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và Hồng Kông như bán vào thị trường cao cấp các nước EU, Mỹ…  

Cá tra sạch từ vùng nuôi…

Trong nhiều năm qua cá tra Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường các nước được nhìn nhận từ chỗ giảm dần đến không còn lo lắng sản phẩm bị loại trả về do chất lượng kém hay kiểm tra phát hiện dư lượng thuốc kháng sinh. Sản phẩm cá tra vượt qua rào cản kỹ thuật từ thị trường nhiều nước đã chứng minh quá trình áp dụng theo chuỗi sản xuất có tiến bộ rõ rệt.

Anh Toàn, một người nuôi cá tra nhiều năm ở cù Lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (Cần Thơ), cho biết: Trong 20 năm qua dân nuôi ca tra ở quanh cù lao tích lũy kinh nghiệm, nhất là sau những lần thị trường biến đổi thăng trầm đặt ra yêu cầu chuyển đổi đáp ứng, trong đó quan trọng nhất là các điều kiện kỹ thuật. Đối với nông dân nuôi cá, vì lo lắng hơn hết là sản phẩm phải tốt, bán được có giá. Vì vậy người nuôi cá phải tuân thủ theo các qui định suốt quá trình nuôi từ thả giống, chăm sóc, cho ăn đến kỳ thu hoạch… Dù khó đến mấy dân nuôi cá phải thực hành nuôi cá tốt, đạt theo yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường đặt ra.

Tuy nhiên sóng gió thị trường luôn khó đoán. Anh Toàn nói: Bao lần người nuôi cá thua lỗ phần lớn là do “dội chợ, rớt giá”. Thị trường chuyển đổi rất nhanh, có khi chỉ trong một thời gian ngắn giá cá đang tăng bất ngờ sụt giảm.

Do đó cá còn đang nuôi trong ao chưa kịp lớn đúng cỡ thu hoạch khiến cho người nuôi không kịp trở tay. Rủi ro lớn quá nên dần dà nhiều hộ nuôi cá nhỏ lẻ phải chuyển hướng, chấp nhận lãi ít nhưng ít rủi ro bằng cách nuôi theo hợp đồng gia công liên kết với doanh nghiệp có nhà máy chế biến thủy sản.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch cá tra

Trong nhiều năm qua đa số các DN có nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành vùng nuôi cá tra chuẩn mực và liên kết với các hộ nuôi cá tra bên ngoài áp dụng theo qui trình kỹ thuật đảm bảo sản phẩm cá tra đồng nhất đúng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Giám đốc một công ty chế biến cá tra xuất khẩu cho biết, không thể có một DN nào đủ sức đầu tư hình thành vùng nuôi khép kín để tự lực cung ứng 100% nguyên liệu đáp ứng theo công suất nhà máy chế biến của mình. Hoặc DN nào giàu tiềm lực cũng chỉ đầu tư, quản lý vùng nuôi đáp ứng khoảng 1/3 cá nguyên liệu về nhà máy.

Do vậy hợp đồng với các hộ nuôi cá có khả năng vốn, ao nuôi và kinh nghiệm kỹ thuật là hướng phát triển mở rộng vùng nuôi cá tra nhanh nhất, kịp thời một khi nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng lên nhanh. Muốn vậy, qui trình sản xuất tại ao nuôi cá chuyển giao cho các hộ nuôi phải chuẩn mực như vùng nuôi cá của DN, đồng thời có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của của DN đến tận ao nuôi của từng hộ.  

Qui trình kỹ thuật đồng bộ

Trong các DN thực hiện hợp đồng liên kết với hộ nuôi cá tra bên ngoài, bên cạnh các điều khoản qui định cơ bản công ty sẽ cung cấp vật tư, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và đồng thuận giá cá đến kỳ thu hoạch và kèm theo qui định hướng dẫn quy trình kỹ thuật chi tiết cụ thể với từng hộ nuôi cá.

Trong các DN thực hiện hợp đồng liên kết với hộ nuôi cá tra và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân 

Từ hơn 2 năm qua, sau khi được cấp mã số ao nuôi, các chủ hộ nuôi cá trên cù lao Tân Lộc cho biết thuận lợi hơn khi ký hợp đồng nuôi cá cung cấp cho Công ty CP và Phát triển Đa quốc gia (Công ty IDI), thành viên Sao Mai Group. Và hiện nay không chỉ IDI mà hầu hết các DN mở rộng vùng nuôi cá liên kết đều có yêu cầu chủ hộ nuôi cá phải được Chi cục Thủy sản địa phương cấp mã số ao như một điều kiện tiên quyết. IDI thực hiện liên kết mở rộng vùng nuôi nhằm tạo chất lượng cá thương phẩm tốt đạt chuẩn quốc tế và sản lượng ổn định. Đó là tạo lợi thế khi xuất khẩu sản phẩm cá tra sang nhiều thị trường khó tính.

Các chủ hộ nuôi cá tra theo liên kết, kể: Sau khi thỏa thuận ký kết hợp đồng, trước mỗi vụ nuôi, công ty IDI cử nhân viên kỹ thuật đến tận ao nuôi của các chủ hộ nuôi cá mỗi ngày đến hướng dẫn cặn kẽ qui trình kỹ thuật và kiểm tra theo dõi, cùng chủ hộ nuôi ghi chép lượng thức ăn cho cá từng ngày. Việc sử dụng thuốc thú y thủy sản không được tùy tiện mà chỉ dùng theo khuyến cáo của nhân viên kỹ thuật khi thật sự cần thiết và dùng thuốc đúng theo danh mục cho phép.

Cũng cần nói thêm là hiện nay thuốc thú y thủy sản được cơ quan chuyên ngành các địa phương kiểm soát rất chặt chẽ nên thuốc ngoài danh mục hầu như không có bán. Do đó việc kiểm tra chất lượng, lấy mẫu cá tra trước khi thu hoạch đưa về nhà máy kết quả không phát hiện dư lượng thuốc kháng sinh cấm sử dụng.

Đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) nhận xét: Trong những năm gần đây nhiều DN như Vĩnh Hoàn, Hùng Cá, Trường Giang, Gò Đàng…đều có đầu tư vùng nuôi cá tra riêng, chuẩn mực, đồng thời xây dựng mối liên kết với các hộ nuôi cá tra bên ngoài. Cá tra được xuất khẩu sang thị trường khó tính nhất như EU, Mỹ; đối tác là các nhà nhập khẩu từ các nước đến khảo sát, tham quan vùng nuôi cá tra đều bày tỏ sự an tâm, hài lòng.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, yêu cầu sản phẩm cá tra phải đạt tiêu chuẩn VSATTP, trong đó có các yêu cầu về vi sinh, kháng sinh… Tất cả các điều kiện này người nuôi cá và nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu không khó thực hiện đáp ứng yêu cầu. Từ khi không còn xuất qua đường tiểu ngạch các DN chế biến xuất khẩu cá tra cạnh tranh bình đẳng hơn. Nhiều DN Việt Nam được phía Trung Quốc công nhận, cấp phép xuất khẩu vào thị trường đông dân nhất thế giới.

Vùng nuôi cá được kiểm soát chặt chẽ và sản phẩm cá tra đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo ông Quốc, các năm qua Tổng cục Thủy sản và các địa phương có vùng nuôi cá tra đã phối hợp chặt chẽ trong tổ chức tập huấn nuôi cá tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC…, đáp ứng đúng yêu cầu theo từng thị trường.

Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Bài viết khác