Áp dụng kĩ thuật ”3 giảm 3 tăng” trong nuôi thâm canh cá tra

1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 1537 Lượt xem

Cá tra đã trở thành đối tượng cá nước ngọt được nuôi chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng cá tra tăng nhanh từ khi nghề nuôi đã chủ động được nguồn giống và phát triển tốt thị trường xuất khẩu. Thế nhưng hiện nay việc hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

Về mặt kỹ thuật, xin khuyến cáo đến người nuôi cần thiết phải áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” như đối với cây lúa cho quy trình nuôi cá tra xuất khẩu. Nuôi cá tra có nhiều điểm khác biệt so với trồng lúa, do vậy xin nêu kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” trong nuôi thâm canh cá tra như sau:

Giảm mật độ thả nuôi (thả khoảng 20 - 25 con/m2 ao).

Giảm sử dụng thuốc kháng sinh (chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết).

Giảm xả chất thải ao nuôi trực tiếp ra sông rạch bằng cách sử dụng thức ăn hợp lý, tránh để thức ăn dư thừa và có ao xử lý chất thải.

Khi thực hiện giảm triệt để 3 khâu trên, người nuôi sẽ thu được 3 lợi ích tăng thêm, đó là:

Tăng mức độ trắng của thịt cá. Nhờ mật độ thả nuôi phù hợp với tập tính sống nên cá ăn mồi tốt hơn, lớn nhanh hơn, tăng sức đề kháng với bệnh tật, do đó chất lượng thịt cá tốt hơn.

Tăng uy tín chất lượng sản phẩm do ít sử dụng thuốc kháng sinh, môi trường nước cũng như cơ thể cá không có nhiều cơ hội sinh sản ra vi khuẩn kháng thuốc, do đó người nuôi không cần tăng liều sử dụng cũng như thay đổi loại kháng sinh khác mạnh hơn. Chính vì thế mức độ lưu tồn thuốc kháng sinh trong thịt cá sẽ giảm nhiều, cá nguyên liệu sẽ đạt được độ an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tăng lợi nhuận. Nhờ chất lượng nước ao nuôi trong sạch nên thịt cá trắng đẹp, bán được giá cao hơn; đồng thời với tăng lợi nhuận từ việc giảm được nhiều khoản chi phí như mua cá giống, mua thuốc phòng trị bệnh và đặc biệt là thức ăn.

Trước việc chi phí sản xuất ngày càng cao nhưng giá cả đầu ra không ổn định như hiện nay, người nuôi cá tra nên áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” như nêu trên để góp phần tăng thu nhập và ổn định sản xuất.

KS. Nguyễn Thị Phương Dung - Báo Ấp Bắc, 30/10/2015

Bài viết khác