Kỹ thuật ương cá tra giống

1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 8377 Lượt xem

Để có được giống cá tra đạt chất lượng, người ương cá phải quan tâm đến các vấn đề sau:

Để có được giống cá tra đạt chất lượng, người ương cá phải quan tâm đến các vấn đề sau:
- Nguồn cá tra bố mẹ để sản xuất giống phải được chọn lọc kỹ về di truyền, có nguồn gốc rõ ràng, tránh hiện tượng đồng huyết hay cận huyết.
- Nguồn thức ăn cung cấp cho cá giống đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh theo qui định của nhà nước.
- Quản lý môi trường nuôi một cách chặt chẽ để hạn chế dịch bệnh xảy ra trong quá trình ương, hạn chế hoặc không sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình ương.
- Bổ sung: men tiêu hoá, men vi sinh, vitamin và chất khoáng để tăng sức đề kháng cho cá.
Công tác chuẩn bị ao:
Các bước cần thiết của một qui trình ương như sau:
Đây là công việc rất quan trọng trong quy trình ương nuôi cá, quyết định sự thành bại của vụ ương. Những công việc chính của chuẩn bị ao là tẩy dọn ao, hồ và diệt trừ địch hại được đặt lên hàng đầu.
Chọn ao và địa điểm:
- Ao ương cá nên chọn ở những nơi gần kênh, rạch để tiện cho việc cấp thoát nước và chăm sóc quản lý. Không trồng cây lớn quanh bờ ao vì cây lớn sẽ che ánh sáng mặt trời, và lá cây rụng xuống làm thối nước gây ô nhiễm môi trường.
- Diện tích ao ương cá tùy theo điều kiện của địa phương và nông hộ, nhưng diện tích nhỏ điều kiện môi trường dễ biến đổi, nhất là nhiệt độ, hàm lượng oxy hòa tan,.... gây bất lợi cho cá, nhưng nếu ao quá lớn sẽ khó quản lý chăm sóc. Thích hợp cho ương cá tra là ao có diện tích từ 1.000 - 2.000m2, độ sâu từ 1,5 - 2,0 m, ao hình chữ nhật. Bố trí hệ thống cấp và thoát nước dễ dàng và đáy ao phải dốc về cống thoát nước.
Cải tạo ao:
- Tát cạn vét bùn đáy ao, lấp hang cua, ếch, chuột, lươn,..... Đắp lại những chỗ sạt lở, sửa lại cống bọng, dọn cỏ quanh bờ ao và dùng lưới cước đăng chắn quanh ao để tránh địch hại vào ao trong giai đoạn đầu thả cá bột.
- Dùng vôi  rải đều đáy ao và cả mé bờ với liều lượng như bảng sau, tùy theo điều kiện từng ao và mức độ nhiễm phèn của đất.

Sau khi rải vôi, ao được phơi nắng từ 2 - 3 ngày.
Cấp nước vào ao và gây màu nước:
Cấp nước vào phải lọc qua túi vải thô để tránh trứng, cá tạp, giáp xác,... Nếu có điều kiện cần phải lắng qua ao trữ từ 5 -7 ngày sau đó mới cấp vào ao.
Nước cấp vào ao trước khi thả cá bột 1 ngày. Đối với qui trình ương cá tra nên gây màu nước để tạo thức ăn tự nhiên trong giai đoạn cá bột. Đối với ao 1.000 m2 : thả vào ao 2 kg trứng nước (Moina) sống, 2 kg bột cá mịn 40% đạm, 2 kg bột đậu nành để cung cấp thức ăn tự nhiên cho cá. Chú ý trứng nước phải được rữa qua nước muối 2% vài lần rồi mới thả vào ao.
Trước khi thả cá cần kiểm tra lại các yếu tố môi trường nước ao ương sao cho đảm bảo:
- pH nước: 7 - 8
- Nhiệt độ: 26 - 300C
- Oxy từ 3 mg/lít
- Độ trong: 25 - 40 cm
- Màu nước: xanh đọt chuối
Giống và mật độ thả:
- Khi ương cá tra bột sinh sản nhân tạo nên chọn mua cá từ những trại sản xuất có đăng ký công bố chất lượng, để nâng cao hiệu quả của quá trình ương nuôi.
- Thời gian thả cá bột vào ao nuôi tốt nhất vào sáng sớm và chiều mát.
- Mật độ ương thích hợp và dễ quản lý dịch bệnh là : 500 con/m2 diện tích mặt nước.
- Nếu mật độ cao hơn cần bố trí hệ thống sục khí đều khắp ao ương, tăng khả năng đảo nước trong ao cung cấp thêm oxy, ngoài ra tăng khả năng bắt mồi của cá và giảm khả năng sát hại lẫn nhau.
- Mực nước ao ương ngày đầu 1,0 – 1,2 m sau đó cho thêm nước vào ao để đến ngày thứ 15 mực nước ao ương đạt 1,5 – 1,7 m.
Thức ăn và cách cho ăn:
Trứng nước và các loại động vật nhỏ sống trôi nổi trong nước.
* Cách tính thức ăn cho 1 triệu cá bột:
Tuần đầu tiên: Trộn hỗn hợp theo liều lượng trong 1 lần ăn như sau:
+ Bột đậu nành với số lượng: 250 g.
+ Bột sữa cá với số lượng: 250 g.
 - Cho cá ăn 4 lần/ngày vào lúc: 7h, 10h, 16h, 20h.
 - Cách cho ăn: hoà tan hỗn hợp trên vào nước rồi tạt đều khắp mặt ao.
Tuần thứ 2:
- Cho cá ăn 4 lần/ngày vào lúc: 7h, 11h, 16h, 20h. Mỗi lần cho cá ăn theo hỗn hợp sau:
- Thức ăn công nghiệp đậm đặc dạng bột, có độ đạm 40% được cung cấp từ các cơ sở có đăng ký chất lượng với liều lượng 0,5 kg/ lần ăn, 200 g sữa bột để duy trì thức ăn tự nhiên trong ao.
- Mỗi ngày tăng lượng thức ăn thêm 20% so với ngày trước tùy theo mức độ bắt mồi của cá mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
- Cách cho ăn: hoà tan hỗn hợp trên vào nước rồi tạt  đều khắp mặt ao.
Tuần thứ 3
Sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp loại thức ăn dạng miễng có kích thước vừa cỡ miệng của cá, độ đạm từ 35 - 40%, cho ăn 3 - 4 lần trong ngày. Tập cho cá gom cầu và định lượng thức ăn lại cho hợp lý.
Tuần thứ 4 trở đi
- Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có kích thước vừa cỡ miệng của cá, độ đạm từ 30 - 35%, cho ăn 3 lần trong ngày và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
- Số lần cho ăn 3 lần/ngày.
- Sau 30 ngày, bắt đầu lọc cá để giữ cho cá đồng  hạn chế ăn nhau, bảo đảm mật độ 150 - 200/m2.

Hình: Cho cá ăn

Quản lý và chăm sóc:
*Quản lý ao:
 Hàng ngày thường xuyên quan sát, kiểm tra ao để kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng bất thường như bờ ao bị sạt lở, lỗ mọi, hang hốc do cua, rắn, chuột đào, cống bọng bị rò rỉ, hư hỏng.
 Không để địch hại như rắn, ếch, lươn, cá tạp, cá dữ, bọ gạo,... xâm nhập.
*Quản lý chất hóa học:
Không dùng thuốc và hóa chất trong danh sách cấm sử dụng của ngành thủy sản, người nuôi cần phải cập nhật thông tin thường xuyên về thuốc và hóa chất sử dụng trong ngành thủy sản qua đào tạo hoặc những tờ bướm thông tin.
Nên theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm thuốc, hóa chất để sử dụng hợp lý về liều dùng, nơi cất giữ, thời gian hết hạn sử dụng.
Không sử dụng sản phẩm thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc hay hết hạn sử dụng.
*Quản lý môi trường và chất thải:
Mặc dù, trong tự nhiên cá tra chịu rất tốt trong điều kiện khắc nghiệt của môi trường, nhưng trong điều kiện ao ương để cho cá tăng trưởng, phát triển tốt nên định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường ao ương và đảm bảo đạt một số chỉ tiêu như sau:
pH : 7 - 8,5;
Độ trong : 30 – 40 cm;
NH3 < 1 mg/l;
Oxy >= 3 mg/lít;
Quan sát màu nước ao ương, màu nước phải luôn luôn có màu xanh đọt chuối là tốt nhất. Do đó cần phải định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học như: EM, Bio-tab, Zeofish,…kết hợp thay nước mới để môi trường luôn sạch và ổn định trong quá trình ương, phòng cho cá không bị nhiễm bệnh.  
Những trận mưa đầu mùa, dùng vôi bột lắng trong từ 2 - 3kg/100m2 ao tạt đều khắp ao.
Các chất thải của sinh hoạt và quá trình sản xuất như bọc nilông, thuốc, hóa chất… phải được bỏ vào thùng chứa rác, không được thải ra ao ở khu vực nuôi cá để không gây hại đến môi trường ao nuôi. Nước thải ra từ ao nuôi phải được xử lý trước khi thải ra sông để tránh làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Quản lý dịch bệnh:
Khi có hiện tượng cá nổi đầu khác với bình thường, nhanh chóng xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý. Nếu xác định cá bị bệnh thì phải tìm đúng bệnh để có biện pháp chữa trị đúng và kịp thời.
Để phòng bệnh cho cá và khử trùng nước ao, dùng vôi bột hòa nước và tạt đều khắp ao với liều lượng 2 – 3 kg/100m3 nước ao. Có thể dùng các loại chế phẩm vi sinh hoặc formol để xử lý và khử trùng nước ao nuôi.
Khi cho ăn cần áp dụng phương pháp 4 định “ lượng, chất, vị trí, thời gian” để hạn chế thức ăn thừa làm ô nhiễm môi trường nước.
Thu hoạch cá giống:
Tùy theo nhu cầu của khách hàng có thể tiến hành thu hoạch cá giống sau 50 – 90 ngày. Tỷ lệ sống sau 50 ngày tuổi đạt bình quân 20%, có hộ nuôi tốt có thể đạt 30 - 40%.

  

Bảng: Quy cỡ cá giống theo thời gian nuôi

Một số bệnh thường găp trong giai đoạn ương cá tra:
Công tác phòng bệnh:
- Việc phòng bệnh cho cá được đặt lên hàng đầu trong ương nuôi thủy sản. Cải tạo ao và xử lý môi trường đúng theo quy trình kỹ thuật góp phần hạn chế dịch bệnh xảy ra.
- Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường ao ương: pH, Oxy, NH3,...để kịp thời xử lý khi môi trường bằng một số chế phẩm sinh học ổn định môi trường trong quá trình ương.
- Để tăng sức đề kháng cho cá, mỗi tuần cần bổ sung thêm 2 lần lượng vitamin C cho cá bằng cách trộn vào thức ăn từ 1 – 2 g/10 kg thức ăn.
- Để giúp cá tiêu hóa tốt và tăng trưởng tốt trộn thêm Premix, men tiêu hóa vào thức ăn 2 - 3 lần/ tuần.
- Không dùng kháng sinh để phòng bệnh cho cá.
Trong quá trình ương cá cần xác định được tác nhân gây bệnh cho cá: bệnh do biến động môi trường, ký sinh trùng hay cá bị nhiễm khuẩn.
Cá bệnh do biến động môi trường:
Thường xảy ra khi có sự thay đổi bất thường của thời tiết, làm cho các yếu tố lý hoá của môi trường nuôi bị thay đổi đột ngột như pH, nhiệt độ, Oxy hoà tan, NH3…
Khi gặp trường hợp này, ta tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường và sau đó dùng vôi bột (CaCO3) lắng trong trước khi tạt xuống ao liều lượng 20 - 30 kg/1.000 m2, kết hợp tạt thêm 100 - 150 kg muối/1.000 m2.
Bệnh ký sinh trùng trên cá:
Trong quá trình ương cá thường gặp một số bệnh do ký sinh trùng gây ra như: trùng bánh xe, sán lá đơn chủ…
Trùng bánh xe
- Cá bị trùng bánh xe: Toàn thân cá có nhớt màu trắng đục. Da cá chuyển sang màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy và nổi đầu từng đàn.
- Điều trị: Dùng phèn xanh phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,3 - 0,5 gam/m3 nước. Sau 24 giờ thay nước và bón vôi bột 20 - 30kg/1000m2 (lưu ý khi sử dụng phèn xanh nên chú ý đến pH trong ao).
Bệnh Sán lá:
- Cá bệnh mang nhợt nhạt, thường hô hấp kém do mang và da tiết ra  nhiều dịch nhờn, cá bị ngạt thở nổi đầu thành đàn bơi lợi chậm chạp hay bơi ven bơ thích tập trung chổ có nước chảy.
- Điều trị: Dùng formol với liều lượng 15 ppm (15 cc/m3 nước), mỗi đợt điều trị lặp lại 3 lần trong 6 ngày. 
Bệnh nhiễm khuẩn:

 
 


- Triệu chứng: Xuất huyết từng nhỏ trên da, chung quanh miệng, nắp mang và phía dưới bụng trương to có nhiều dịch màu hồng hoặc vàng.
- Điều trị : Cần đem mẫu đến phòng xét nghiệm chẩn đoán bệnh và xác định vi khuẩn gây bệnh để có hướng dẫn sử dụng thuốc thích hợp. Ngoài ra kết hợp xử lý môi trường ổn định bằng cách tạt vôi với liều lượng 20 – 30 kg và 80 - 100 kg muối/1.000m2.

 Trung tâm Giống Thủy sản An Giang

Bài viết khác