Cơn sốt giá cá tra cao ngất ngưởng

1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 901 Lượt xem

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt 1,59 tỉ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2017. Hơn 2 tháng qua, cá tra thương phẩm và cá giống trong cơn sốt giá cao ngất ngưởng.

Lợi nhuận quá hấp dẫn đã cuốn hút một số người nuôi các loài cá trắng khác ở ĐBSCL quay lại với cá tra để tìm cơ hội.

Nóng chuyện cá tra

Dân nuôi cá tra miền Tây nói từ mấy tháng qua họ thu hoạch cá, bán được giá tốt chưa từng có. Tùy theo quymô nuôi, mức lời trăm triệu hay tiền tỷ dễ dàng. Dọc theo sông Hậu, sông Tiền từ An Giang qua Đồng Tháp, Vĩnh Long hay về Cần Thơ, Hậu Giang…, hai bên bờ có nhiều ao nuôi cá như thời hoàng kim 10 năm trước.

Thu hoạch cá tra

Ngoài cồn bãi giữa dòng sông Hậu, khắp nẻo đường làng cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) người xe xuôi ngược, làm ăn rộn ràng. Mới nóng nhất vẫn là chuyện nuôi cá tra, từ con giống đến giá cá thương phẩm được cập nhật bên hàng quán. Cù lao cá, cù lao tỷ phú… nổi tiếng khắp vùng với nghề nuôi cá tra bây giờ lại tiếp diễn trong bối cảnh làm ăn mới.

Anh Hưng Hà, dân nuôi cá tra bền chí suốt 20 năm qua ở cù lao này, vừa xuất bán lứa cá tra hơn nửa tháng qua. Anh nói: "Lứa cá nuôi vừa xuất hầm bán 35.500 đ/kg (cỡ 800-850 gram/con). Có thể nói đây là mức giá bán cao nhất từ khi tôi theo đuổi nghề nuôi cá tra tới nay. Trừ hết chi phí còn lời 10.000 đ/kg".

Thấy cá tra lời khủng ai cũng ham. Dân nuôi cá tra lỗ lã trước đây bỏ nghề, nay muốn quay lại tìm vay vốn, thuê ao nuôi cá. Một số người nuôi loài cá trắng khác như điêu hồng, cá hô, cá he, mè vinh… hiện thả nuôi cá tra trở lại. Làn sóng nuôi cá tra đang ùn ùn như một dạo những năm 2005, 2006.

Nhu cầu cá giống tăng cao đột ngột nên thiếu hụt nguồn cung. Cùng lúc, một số các công ty chế biến xuất khẩu cá tra có vùng nuôi cá riêng cần cá giống thả nuôi. Hiện cá tra giống mức 68.000-70.000 đ/kg, nhưng vào cao điểm nhất cuối tháng 10, giá kỷ lục 75.000-78.000 đ/kg (loại 30 con/kg). Lúc đó người mua cá giống phải đặt trước nhiều ngày. "Hơn 10 ngày qua tôi chưa tìm được cơ sở ương bán cá giống đặt mua để thả nuôi cho vụ mới", anh Hà nói.

Về khu trung tâm nuôi ương cá tra giống tại Cần Thơ, anh Nguyễn Ngọc Hải và nhóm bạn chuyên bán cá tra giống ở phường Thới Hưng, quận Ô Môn, giọng tiếc nuối: Giá lên cao quá bất ngờ vì nguồn cung khan hiếm. Trong khi vùng nuôi đang cần cá giống thì thời điểm này lại là mùa nghịch (6 tháng cuối năm mưa nhiều, mua nước đổ về nhiều phù sa, nhiệt độ hạ thấp, trời chuyển lạnh...) cá bột ương nuôi rất khó khăn, dễ nhiễm bệnh. Phần nhiều là bệnh gan, thận mủ. Vi khuẩn kháng thuốc, trị không hết, tỷ lệ cá giống ương nuôi đạt chỉ khoảng 10%.

Kỳ vọng cuối năm

Hiện nay có một điều đáng lo, đó là bài học nhớ đời vào năm cá tra khủng hoảng (2008) và sau đó người nuôi thua lỗ phải tự xếp lại đội hình. Nhiều năm qua đa số hộ dân nuôi cá tra đều có ký kết hợp đồng với nhà máy chế biến thủy sản. Đến năm 2017, ước có hơn 90% người nuôi cá có hợp đồng bao tiêu và chỉ còn dưới 10% nuôi nhỏ lẻ tự tiêu.

“Trên cù lao Tân Lộc tuy không thấy đổ xô đào ao mới, nhưng số người nuôi cá tự phát theo thời vụ ước tăng lên khoảng 20%”, anh Hà nói.

con sot gia ca tra cao ngat nguong
Nuôi cá tra ở Cù Lao giữa sông Hậu

Anh Hà và một số người nuôi cá thâm niên ở cù lao Tân Lộc dự cảm mối nguy nên do dự chưa vội đặt mua cá giống thả tiếp. Một vụ cá nuôi hơn 5-6 tháng mới thu hoạch. Nếu lúc này thả cá ào ạt, qua Tết mới thu hoạch, chưa ai biết giá cả có còn giữ được mức cao như hiện nay. Tâm trạng người nuôi cá lo sợ nhất là dội chợ và một khi đầu xuất gặp khó giá giảm liền tức khắc. Trong khi tính rộng hơn ra toàn vùng hiện chưa có thông tin nào ước lượng được chính xác mức tiêu thụ thị trường có ăn khớp với lượng cá đang nuôi thả từ vùng nuôi. Trong khi ẩn số chính là người nuôi cá tra tự phát đang tăng trở lại.
Nguồn: Vietnambiz.vn

Bài viết khác