Xuất khẩu thủy sản: chờ cơ hội đột phá cuối năm

1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 978 Lượt xem

8 tháng qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có những điểm khởi sắc đáng kể, trong đó, chủ lực tiếp tục là tôm và cá tra. Toàn ngành đang chờ đợi những bước đột phá trong xuất khẩu những tháng cuối cùng này, giống như nhiều năm trước đã đạt được.

xuat khau thuy san  cho co hoi dot pha cuoi nam
Toàn ngành đang chờ đợi những bước đột phá trong xuất khẩu những tháng cuối năm.
Tăng trưởng khả quan
Theo VASEP, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 4,7 tỷ USD, gần tương đương cùng kỳ 2018. Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam chiếm 56,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, đáng kể nhất là thị trường Nhật Bản đạt mức tăng trưởng 10,4%; Mỹ đạt 802,56 triệu USD, tăng 1,1%; Trung Quốc tăng 5,7%.
Xuất khẩu cá tra chiếm 24,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, tổng giá trị xuất khẩu cả năm đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3% so năm 2018. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chiếm 25,70% tổng kim ngạch; tôm sú chiếm 8,15%; tôm các loại khác chiếm 3,85%; cá ngừ chiếm 9,12%; cá các loại khác chiếm 19,20%; mực, bạch tuộc chiếm 7,26%; nhuyễn thể hai mảnh vỏ chiếm 1,1%...
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ mà điều lo ngại nhất là sự suy yếu của các đồng ngoại tệ mạnh, điển hình là đồng nhân dân tệ.  Tháng 7/2019, tỷ giá đồng Nhân dân tệ  (NDT) so với đồng đô la Mỹ (USD) đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua - ở mức 7 NDT/USD. VASEP cho rằng, Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng NDT khiến giá các mặt hàng thủy sản xuất khẩu nói riêng sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam.  Không chỉ Trung Quốc mà đồng Rupee của Ấn Độ cũng bị phá giá sâu so với USD, tăng sức cạnh tranh với hàng thủy sản Việt Nam.
Tín hiệu sáng phía trước
Ngày 21/8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố thuế suất tôm Việt bán vào Mỹ cho hai bị đơn bắt buộc và khoảng 30 doanh nghiệp tôm còn lại là 0%. Đây là kết quả được xem xét hành chính lần thứ 13 của DOC. Theo đó, mức thuế của hai bị đơn bắt buộc và các doanh nghiệp còn lại là 0%. Mức thuế này là tin vui chung cho ngành tôm Việt Nam, đồng thời là động lực tốt để các thương nhân tôm Việt Nam tiếp tục phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội cải thiện cơ cấu thị trường tôm ở ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung. 
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, với mặt hàng tôm chúng ta đặt mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỷ USD, thì 7 tháng đầu năm đạt 43%, thời gian cuối năm tiêu thụ tốt, nên xuất khẩu sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, đạt mức 4,2 tỷ USD là khó khăn. Dự báo, xuất khẩu tôm đạt 3,6 - 3,7 tỷ USD trong năm nay. Tiếp theo, mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt 2,3 tỷ USD, thì 7 tháng đầu năm đạt khoảng 50% kế hoạch, nên có thể đạt mục tiêu, do cuối năm tiêu thụ tăng lên, bởi thị trường Trung Quốc sau một thời gian điều chỉnh, đến nay đã có dấu hiệu tăng trưởng. Về hải sản, mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD, thì 7 tháng đạt 50%, nên cũng có khả năng về đích. Tính chung, mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD năm nay sẽ khó thực hiện được. Dự báo, xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ đạt như năm ngoái (9 tỷ USD) hoặc cao hơn đôi chút.
Việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế cũng sẽ giúp việc tiêu thụ thủy hải sản phát triển. Ngay cả thị trường Trung Quốc thì nước này cũng đã phê duyệt 33 mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc được miễn thuế nhập khẩu, theo khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc với mức thuế cơ bản là 0%. Các chuyên gia thị trường cho biết, tôm nuôi ở Ấn Độ hiện bị bệnh phân trắng diện rộng, khiến tôm không lớn và thiệt hại, sản lượng tôm nuôi Ấn Độ dự kiến giảm 30%.  
Bên cạnh đó, điều đáng mừng là ngành thủy sản đã phát triển với một mô hình đa dạng hơn, giảm sức ép lên ngành tôm và cá tra. Hội nghị thường niên của VASEP mới đây cho biết, năm 2019, lần đầu tiên giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ đại dương, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, giáp xác... đã vượt qua 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra. Cụ thể, tỷ lệ các mặt hàng hải sản nói trên đã chiếm 38,2% so tôm là 37,7%, cá tra 24,1%.  Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng cường xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng của ngành tôm và cá tra để tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới. Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm giá trị giá tăng ước đã đạt mức 10% năm ở một số mặt hàng chủ lực.
Theo nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, trong năm 2018 thị trường Mỹ đã nhập khẩu cá tra dự trữ, lượng tồn kho còn nhiều, do đó các tháng đầu năm 2019 nhu cầu nhập khẩu ít. Nhưng, từ đây đến cuối năm 2019, lượng tồn kho giảm, nhu cầu nhập khẩu thủy sản cho lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch có thể tăng lên ở thị trường EU, Mỹ, Brazil và các nước Nam Mỹ khác, do đó doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang các thị trường này. Đối với mặt hàng tôm doanh nghiệp tiếp tục duy trì thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường Mỹ.
Nguyên Anh - Thủy sản Việt Nam

Bài viết khác